Vì Sao Úc Xóa Thường Trú Nhân Của Tỷ Phú Trung Cộng?
Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2019
Mồng Một Tết Âm lịch, ngày 5/2/2019, báo Sydney Morning Herald đưa tin chính phủ Úc xóa tư cách thường trú nhân, không cho tỷ phú Trung cộng Huang Xiangmo nhập cảnh, mặc dầu ông đã định cư tại Úc từ năm 2011, đầu tư hằng tỷ Úc kim và vợ con ông hiện vẫn còn ở Úc. Kèm theo bản tin là hình ảnh ông chụp với nhiều chính trị gia hàng đầu của Úc, bao gồm các cựu thủ tướng, các cựu ngoại trưởng lưỡng đảng, cho thấy ảnh hưởng rất lớn của ông trong chính giới Úc, nhưng chẳng ai dám lên tiếng giúp ông.
VÌ SAO ÚC XÓA THƯỜNG TRÚ NHÂN CỦA TỶ PHÚ TRUNG CỘNG?
From Nguyễn Quang Duy
***
Mồng Một Tết Âm lịch, ngày 5/2/2019, báo Sydney Morning Herald đưa tin chính phủ Úc xóa tư cách thường trú nhân, không cho tỷ phú Trung cộng Huang Xiangmo nhập cảnh, mặc dầu ông đã định cư tại Úc từ năm 2011, đầu tư hằng tỷ Úc kim và vợ con ông hiện vẫn còn ở Úc.
Kèm theo bản tin là hình ảnh ông chụp với nhiều chính trị gia hàng đầu của Úc, bao gồm các cựu thủ tướng, các cựu ngoại trưởng lưỡng đảng, cho thấy ảnh hưởng rất lớn của ông trong chính giới Úc, nhưng chẳng ai dám lên tiếng giúp ông.
Ông từng là nhà tài trợ chính trị lớn nhất nước Úc. Theo điều tra của hãng tin ABC, ông đã từng đóng góp cho 3 đảng Lao Động, Tự Do và Quốc Gia lên đến 2,7 triệu Úc kim. Chưa kể những “quà tặng” riêng cho các chính trị gia Úc chưa được biết tới.
Huang Xiangmo là ai?
Ông sinh năm 1969 tại Quảng Đông, bỏ học năm 15 tuổi, làm giàu nhờ buôn bán bất động sản, xây cất và nhờ quan hệ với các giới chức cao cấp.
Ông di dân đến Úc 2011 và tiếp tục ngành xây cất và đầu tư bất động sản.
Năm 2012, một số giới chức cao cấp trước đây từng quan hệ với ông tại Trung cộng bị bắt vì tội tham nhũng đất đai.
Ông từ chối không có liên hệ với các vụ tham nhũng tại địa phương và cho biết đến Úc vì “Người Úc nồng ấm và thân thiện, còn không khí trong sạch, rất trong sạch”.
Trên báo Trung cộng Global Times ông cho biết “Tiền là nguồn sữa Mẹ của chính trị” (Money is the Mother’s Milk of Politics), và ngay khi đến Úc bằng mọi cách ông đã tung tiền lũng đoạn chính trị Úc.
Chi đồng đều cho 3 đảng lớn…
Ngày 19/11/2012, lần đầu tiên ông đóng góp cho đảng Lao Động tại NSW với số tiền lên đến 150.000 Úc kim. Trong cùng ngày hai doanh nhân khác liên đới với công việc làm ăn của ông Huang đóng góp thêm 350.000 Úc kim.
Về phía đảng Tự Do trong lần tranh cử 2013, ông đã đóng góp lên đến 870.000 Úc kim.
Ngày 5/10/2015, ông tham dự buổi gây quỹ cho đảng Lao Động với sự tham dự của thủ lãnh đối lập Bill Shorten đã thẳng tay đóng góp 55.000 Úc Kim.
Theo tường trình của Ủy Ban Bầu Cử vào ngày Hiệp ước tự do mậu dịch Trung – Úc được ký kết năm 2014 ông Huang đã tặng ngay 50.000 Úc kim cho quỹ tranh cử của Tổng trưởng Mậu dịch Andrew Robb.
Ông Robb vừa là cha đẻ của Hiệp ước vừa công khai ủng hộ Tập đoàn Landbridge, của tỷ phú Ye Cheng, thuê 99 năm cảng Darwin, Bắc Úc.
Ông Robb vừa là cha đẻ của Hiệp ước vừa công khai ủng hộ Tập đoàn Landbridge, của tỷ phú Ye Cheng, thuê 99 năm cảng Darwin, Bắc Úc.
Ngày 9/5/2016 trước lần bầu cử Liên Bang ông Robb đột ngột xin từ chức Bộ Trưởng và tuyên bố không ra ứng cử nữa.
Một lá thư mật do công ty Landbridge gửi đến ông Robb bị tiết lộ cho biết trước khi từ chức ông Robb đã nhận lời làm cố vấn kinh tế cao cấp cho công ty Landbridge, Trung cộng, với mức lương hàng năm lên tới 880.000 Úc kim.
Bức thư nói một cách mù mờ ông Robb chẳng cần làm gì cả mà vẫn có được món tiền này.
Theo hãng tin ABC trong vòng 4 năm 2012-16 ông Huang đã 46 lần đóng góp cho 3 đảng Tự Do, Lao Động và Quốc Gia với tổng số tiền lên đến 2.692.960 Úc Kim.
Thượng nghị sĩ Úc mất chức vì “phản quốc”?
Năm 2016, ông Huang hứa tặng 400.000 Úc Kim cho đảng Lao Động, nhưng khi phát ngôn viên đối lập quốc phòng Thượng nghị sỹ Lao Động Stephen Conroy lên tiếng chỉ trích chính sách của Trung cộng ở Biển Đông ông Huang đã rút lời hứa.
Ngay hôm sau, Thượng nghị sĩ Lao Động Sam Dastyari, xuất hiện trong một buổi họp báo với ông Huang, tuyên bố ngược lại chính sách của đảng Lao Động Úc không nên can thiệp vào các hoạt động của Trung cộng ở Biển Đông.
Được biết văn phòng ông Dastyari đã 4 lần liên lạc Bộ Di Trú để hỏi về đơn xin quốc tịch của ông Huang và sau đó chính ông Dastyari lại tiết lộ tin “mật” cho ông Huang là ông đang bị Cơ quan tình báo Úc theo dõi.
Ông Huang xin nhập quốc tịch Úc nhưng hồ sơ của ông bị Cơ Quan Tình Báo Úc giữ lại vì ông có 2 lý lịch, với 2 tên và 2 visa khác nhau. Tương tự trường hợp Vũ Nhôm cựu thượng tá an ninh Việt Nam Phan Văn Anh Vũ.
Ông Huang sau này tiết lộ Thượng nghị sỹ Dastyari từng yêu cầu ông trang trải chi phí đi lại và đòi công ty của ông trả cho một vụ kiện cá nhân với khoản tiền lên đến 44.000 Úc kim. Ông Dastyari bị buộc phải từ chức Thượng nghị sỹ vào ngày 25/1/2018.
Có nguồn tin cho rằng ông Dastyari cũng bị Cơ Quan Tình Báo Úc theo dõi và hằng ngàn người đã ký tên đòi điều tra ông về tội “phản quốc” (be charged with treason) cộng tác với gián điệp ngoại bang.
Một tuần sau khi ông Dastyari từ chức, đảng Lao Động công bố dành chức Thượng nghị sỹ cho một người rất gần gũi với ông Huang, một doanh nhân buôn vàng gốc Hoa ông Simon Zhou. Chỉ trong 1 thời gian ngắn ông Simon đã quyên góp được 140.000 Úc kim cho đảng Lao Động.
Báo chí ngay tức thì đưa tin ông Simon đang bị Sở Thuế Liên Bang điều tra vì gian lận thuế khiến ông phải từ chức trước khi tuyên thệ nhậm chức.
Gián Điệp Trung cộng?
Ông Huang là lãnh đạo của Hội đồng Thúc đẩy Thống Nhất Hòa bình Trung cộng, giữ vai trò thúc đẩy việc thống nhất Đài Loan, cùng xác định chủ quyền Trung cộng trên Biển Đông và Tây Tạng.
Ông cũng là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung cộng một tổ chức chuyên cố vấn cho Tập Cận Bình.
Ông tài trợ 3,5 triệu đô la cho trường đại học Western Sydney để thành lập viện Nghệ thuật và Văn hóa Úc-Trung.
Ông dùng 1,8 triệu Úc kim để thành lập Viện nghiên cứu Úc – Trung thuộc Đại học Kỹ Thuật Sydney (UTS) rồi mướn cựu Ngoại trưởng Lao Động Bob Carr làm giám đốc. Ông Bob Carr có vợ gốc Hoa là người nổi tiếng thân Bắc Kinh.
Việc làm kể trên bị nghi là nằm trong chiến lược của Tập Cận Bình mua chuộc giới khoa bảng, chuyển giao các công trình nghiên cứu về không gian, trí tuệ nhân tạo và khoa học máy tính của Úc cho Trung cộng, một hình thức của gián điệp công nghệ.
Nói tóm lại ngay khi đến Úc ông đã hiểu khá rõ hệ thống chính trị Úc, thâm nhập khá sâu vào chính trị Úc cho thấy ông đã được sửa soạn và thu xếp sẵn để đưa vào các vai trò trên.
Trong dịp kỷ niệm 66 năm ngày Đảng Cộng sản cầm quyền, tại Lãnh sự quán ở Sydney ông công khai tuyên bố.
“Chúng tôi kiều dân Trung Quốc kiên định lập trường ủng hộ Chính phủ Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, [và] luôn hỗ trợ sự phát triển của Đất Mẹ…"
Tài trợ tranh cử…
Yếu điểm của vận động tranh cử tại Úc là phần lớn tài trợ không được kiểm soát, không có quy định giới hạn về mức gây quỹ, đóng góp hay chi tiêu cho vận động chính trị và đã bị nhà cầm quyền Bắc Kinh triệt để khai thác.
Ngoài tỷ phú Huang Xiangmo còn nhiều “doanh nhân” Trung cộng khác cũng bị phanh phui dùng tiền ảnh hưởng chính trị Úc.
Ông Chen Yonglin, cựu lãnh sự xin tỵ nạn từ năm 2005, cho biết các khoản đóng góp được tiết lộ cho đến nay là rất nhỏ so với những giao dịch ngầm mua chuộc chính giới Úc, bao gồm những chuyến du lịch miễn phí đến Trung cộng và các món quà không thể truy ra nguồn gốc.
Ngày 28/6/2018 Lưỡng Viện Quốc Hội Úc thông qua hai Đạo Luật chống can thiệp chính trị từ ngoại bang và gián điệp công nghiệp, sau đó thông qua Đạo luật cấm các khoản đóng góp tài trợ chính trị từ nước ngoài có hiệu lực từ đầu tháng 1/2019.
Không cho về lại nước Úc…
Mặc dù ông Huang đầu tư lên đến nhiều tỷ Úc kim, vợ và con hiện đang sống tại Úc.
Chỉ riêng năm 2018, ông đầu tư gần một tỷ Úc kim vào hai dự án nông nghiệp của tập đoàn Trung cộng Dalian Wanda Group tại Úc.
Việc ông bị xóa tư cách thường trú nhân và không được phép trở lại Úc, sau chuyến đi Thái Lan trước Tết, nói rõ lập trường của chính phủ Úc đối với ông Huang. Hiện ông Huang đang nhờ luật sư giúp để xin nhập cảnh Úc.
Luật Úc còn cho phép xóa tư cách công dân khi biết được đơn xin gia nhập quốc tịch có điều gian dối hay cá nhân làm gián điệp cho ngoại bang.
Trả lời phỏng vấn Reuters về việc này ngoại trưởng Úc bà Marise Payne cho biết chưa nhận được phản ứng gì từ phía Bắc kinh và không mong chuyện này sẽ trở thành chủ đề thảo luận song phương vì Úc và Trung cộng có một mối quan hệ tốt đẹp tôn trọng lẫn nhau.
Lẽ đương nhiên Trung cộng phải biết tôn trọng nền độc lập của các quốc gia trong đó có Úc và nhất là không thể tiếp tục dùng tiền lũng đoạn chính trị thế giới.
Melbourne, Úc Đại Lợi 8/02/2019
Nguyễn Quang Duy - duyact@yahoo.com.au
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi ngày 10/02/2019
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét