Cà kê tháng ba – Truyện ngắn Đỗ Nhựt Thư (Quảng Nam)
Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016
Tháng ba, mùa xuân vẫn còn vướng vất, lễ hội ken dày, lòng người sôi động. Tháng ba, có ngày 8 làm cho cả giới phụ nữ hình như mạnh mẽ hơn, họ tràn ngập nhà hàng, cũng nâng ly, cũng dô … trăm phần trăm, họ ăn to nói lớn, họ nhìn giới đàn ông với ánh mắt ngày càng rẻ rúng hơn.
Họ tên thật Đỗ Nhựt Thư
Địa chỉ: Tỉnh Quảng Nam
Email: dokongnhan@gmail.com
_____
(trích từ tập Cà Kê Dê Ngỗng)
TỪ DỤ THÁI HẬU
Tháng ba, mùa xuân vẫn còn vướng vất, lễ hội ken dày, lòng người sôi động. Tháng ba, có ngày 8 làm cho cả giới phụ nữ hình như mạnh mẽ hơn, họ tràn ngập nhà hàng, cũng nâng ly, cũng dô… trăm phần trăm, họ ăn to nói lớn, họ nhìn giới đàn ông với ánh mắt ngày càng rẻ rúng hơn.
Phải rồi, thời buổi dịch vụ lên ngôi, đàn ông thì ôm chí lớn đầy hoang tưởng mà la cà, sáng cà phê, chiều bia rượu, trụ cột kinh tế gia đình chuyển sang tay đàn bà. Chí phải vì trời sinh hai giống mà khi truyền giống giới đực thường thua trận, thì lép vế một bề là phải.
Hỡi ơi thiên địa. Rối lẫn chăng? Chắc thế. Thử hỏi nhé: Lãnh đạo từ trung cao trở lên toàn thế giới này có mấy mợ? Cầm súng đánh giặc tỷ lệ nữ là bao nhiêu? Thôi đơn giản hơn: Nếu nhà bị dột có vị nữ lưu nào dám leo lên mái nhà trám trét, gặp kẻ ngang tàng hù dọa có mấy bà dám xông pha …
Bữa rượu cuối tuần tháng ba ấy, lại mấy lão hưu ôm đồm chuyện nhân gian nhìn sự đời mà buồn như chấu cắn. Lão Gàn bỗng nổi giọng vui:
- Truyện Nữ hoàng thuở 40 của ông Hâm vừa rồi đã được tạp chí NN đăng là tốt quá, đó là tiếng chuông cảnh tỉnh dành cho một số quý bà nhầm lẫn về mình. Nhận thức của các mợ mơ hồ quá, nhiều bà không hiểu tâm, tầm của mình ở đâu nên gây bao hậu họa, gia đình bất hạnh. Lão ưu tư: - Ngẫm lại thánh dạy: Phải chính danh, chí phải.
Lão Chảnh cà rỡn:
- Đừng giỡn mấy cha! Mấy cha quên rồi sao? Mở nền độc lập của nước ta sau thời Bắc thuộc là công lao của một phụ nữ đó.
Lơ phụ họa:
- Rồi thì bà Triệu, Ỷ Lan thứ phi, Linh Từ quốc mẫu… Mới đây là bà Bình, bà Định…
Hâm cười hăng hắc:
- Thôi! Thế thì các ông đếm tên đường ở thành phố ta có được mấy bà? Được 5 phần trăm không?
Phớt can ngăn:
- Tôi xin mấy ông. Thôi, nhân tháng ba tôi kể hầu quý ông chuyện một đức bà mẫu mực làm quà, nhé.
Rượu thì đang dang dở, thời gian thì họ quá giàu, ham muốn tri thức qua buổi cà kê thì quá lớn, họ nhìn Phớt tán đồng và chú tâm lắng nghe.
***
Vào một đêm trăng sáng nhất của tháng sáu năm 1810, ở giồng Sơn Quy, Phạm quốc công phu nhân đã hạ sinh một tiểu thư xinh đẹp lạ thường, đó là đức Từ Dụ nổi tiếng sau này.
Từ nhỏ bà đã được cha mẹ nuôi dạy công phu, 10 tuổi đã thể hiện sự thông minh, đảm đang, hiền thục, chịu thương chịu khó, học hỏi không biết chán. Tứ đức: công dung ngôn hạnh gồm đủ, lại ham đọc sách kim cổ, làu thông kinh sử, am hiểu cả về chính trị, văn thơ. Sống với dân làng rất mực hòa nhã, tôn trọng. Tiếng thơm dậy đất.
Năm 12 bà theo gia đình ra kinh đô Huế, chả là Quốc công họ Phạm là 1 trọng thần được tiên đế giao phụ chính cho đức Minh Mạng đang trị vì, đây là một giai đoạn lịch sử đầy vẻ vang của nước Việt, minh quân hết lòng lo việc nước nên chúng dân ngưỡng vọng mà sống tuân thủ theo phép nước, lệ làng. Một thời độc lập, thái bình thịnh trị đáng ước ao.
Thuận Thiên Hoàng thái hậu, người trực tiếp nuôi dưỡng cháu nội Miên Tông từ lúc sơ sinh. Hoàng tử nay đã 17, bà liền ra công tìm người xứng đáng hầu hạ ngài, xem xét bao cô con gái của các quan đại thần trụ cột, bà nghe danh tiếng thông tuệ, đoan chính của Phạm thị, cho người tìm hiểu thực hư và hoan hỷ cho đón tiểu thư mới 14 tuổi về bầu bạn cùng hoàng tử trưởng.
Thái tử Miên Tông lên ngôi hiệu là Thiệu Trị, bà được vua yêu thương tôn trọng phong là Đệ nhất Giai phi, được buông rèm ngồi nghe chính sự và sau buổi thiết triều được góp ý với vua, có những việc vì lời bàn hợp đạo lý của bà mà vua phải thay đổi quyết định. Lạ lùng thay, một vị vua hiếm có từ cổ chí kim, xã tắc; chúng dân nhờ bà mà âu ca lạc nghiệp, công lao như trời biển một thời.
- Và bà là mẹ của vua Tự Đức. Phớt nhấn nhá.
- Ừ, chuyện này nhiều người biết. Lơ tiếp lời: - Lịch sử viết nhiều về ông vua đầy trách nhiệm và hiếu thảo này, quyển “Từ huấn lục” do đích thân vua ghi chép lời dạy của bà vẫn còn lưu giữ.
- Này các ông! Nhà vua cũng lạ, có lỗi nên dâng lên bà cây roi mây còn ngài nằm xuống chịu đòn, tôi khó tin quá, ông trời con của một nước mà. Lão Chảnh vân vi.
Hâm chậm rãi:
- Còn chuyện sinh hoạt của bà lại là chuyện xưa nay hiếm, là mẹ vua gần như muốn gì được nấy mà bà lại sống rất cần kiệm. Một lần vua vào chầu mẹ thấy cái đãy đựng kính cũ mềm, nhiều chỗ đã sứt chỉ trông thật nghèo nàn, nhà vua đề nghị xin thay nhưng bà không chịu. Lão chậc lưỡi: - Còn việc này thì khó ai dù nghèo mà làm được: Bà cho cung nữ dồn sáp nhiễu để sau này đúc lại thành cây đèn sáp mới. Mẹ ơi!
Bần thần một lúc rồi lão rẻ rọt:
- Bà thường nói: “Một sợi tơ, một hạt lúa cũng là máu mỡ của dân, không nên phung phí. Châu báu, gấm vóc tiến nộp ta cho nhập kho làm của chung.”
Gàn sôi nổi tiếp:
- Nhân ngày ngũ tuần, vua Tự Đức và quần thần dâng sớ thỉnh tấn tôn, bà dạy, đại khái rằng: “Ta đã được thiên hạ phụng sự thì nên lo những việc thiên hạ đương lo, năm nay không được mùa dân chưa vui là việc Hoàng đế nên lo, còn ta vốn cần kiệm chẳng chuộng phù hoa, gia thêm hư danh chỉ làm tổn đức, nên bỏ.”
Cả bọn đắm chìm trong tôn kính, không gian tỉnh lặng. Bỗng Châu con lão Hâm nãy giờ ngồi trong nhà đọc sách bước ra:
- Xin phép quý sư phụ. Còn việc quan, đức bà dạy thế nào ạ?
Lão Hâm nhìn con khó chịu vì sợ bạn bè chê trách, Lơ bỗng cười xòa:
- Hay! Câu hỏi rất hợp thời. Chú xin trả lời, bà thẳng thắn phê phán tệ tham ô chức quyền trong triều chính và các địa hạt. Bà nói: "Từ xưa đến nay, quan lại chỉ một chữ tham mà chưa trừ được. Mọt nước hại dân cũng từ đó mà ra. Làm quan mấy năm vị nào cũng giàu có gấp bội. Của ấy không lấy của dân thì lấy ở đâu? Nên phải quyết trừ.”
Lão Gàn tiếp:
- Bà phê phán gắt gao kẻ dựa vào quyền thế gia tộc của bà để cầu vinh, hoặc che chở kẻ phạm pháp. Bà cũng bảo vua Tự Đức rằng: "Ngưòi trong dòng họ chớ lo việc không được làm quan, phải chuyên cần học hỏi, thi đậu làm quan đem vẻ vang về cho gia tộc; chỉ lo là bất tài mà thôi. Ngoài ra, kẻ làm điều trái phép, Hoàng đế nên triệu về kinh, nghiêm trị để làm gương cho người ta biết.”
Châu khiêm nhã:
- Và bà cũng rât tôn trọng các vị trung thần như Khâm sai đại thần Võ Trọng Bình, Tham tri Phạm Phú Thứ, Phụ chính Nguyễn Tri Phương. Bà nói: “Nếu được nhiều người như thế là phúc của xã tắc, Hoàng đế chỉ cần bổ dụng mỗi tỉnh một vị quan đầu tỉnh có tài đức thì việc nước sẽ tốt đẹp biết bao.”
Lão Chảnh tưng tửng:
- Tôi đố các ông biết chuyện bị đày của Phạm tham tri đó?
Mấy lão ngẩn người lục tìm trí nhớ rồi đành chịu. Chảnh đắc ý:
- Phạm đại quan đang ở tòa Kinh diên, khẳng khái trách vua xao nhãng việc chính sự, ngài ngự giận tái mặt, vì ngài vốn quá lo việc nước nhưng thể chất yếu kém nên thường bị ốm mệt và lại bị bọn xu nịnh dèm pha bèn giáng ông ra làm sai dịch ở Trạm Thừa lưu. Đức bà biết được khuyên rằng: “Làm quan mà dám can gián cái sai của vua ấy là bậc tận trung. Ta hỏi vương ông Phạm làm lính có buồn không?”. Tự Đức sẽ sàng: “Thưa, ông ấy còn tỏ ra vui vẻ”. Bà dạy: “Vương thấy không, người trượng phu không phải vui ở chức tước mà là vui ở những việc làm chân chính”. Ngày sau vua thăng ông làm Tham tri bộ Hình. Hà… hà…
Cả bọn không ai bảo ai cùng nâng ly nốc cạn và cùng hà một tiếng, hồn như nhập về thời buổi ấy, lòng ai nấy nhẹ tênh.
Tháng 03/2014
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Quảng Nam ngày 08/03/2016
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét