Ao làng – Tản văn của Trọng Bảo (Hà Nội)
Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015
Ngày
23/08/2011
Quê tôi
ngày xưa, làng thưa nhà, người còn ít. Mấy chục nóc nhà nhưng gia đình nào
ngoài vườn trồng cây ăn quả cũng đều có một cái ao để thả cá. Cáo ao nằm giữa
vườn cây tạo nên phong cảnh hữu tình. Bên này bờ ao chàng trai ngồi câu cá. Bên
kia cô gái giặt áo, vớt bèo. Những mối tình nảy nở. Những bóng hình lứa đôi soi
bóng nước ao nhà.
Thông
tin liên hệ: (VanDanViet)
Tác
giả Trọng Bảo
Tên
thật: Hà Trọng Bảo
Sinh
năm: 1956
Quê
quán: Thị trấn Hoa Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc
Hiện
công tác tại: Phòng Thông tấn-Báo chí quân
đội
Địa
chỉ: 61- Cửa Đông-Hà Nội,
ĐT:
098.6676547
Email: trongbao.56@gmail.com
_____
AO LÀNG
Quê
tôi ngày xưa, làng thưa nhà, người còn ít. Mấy chục nóc nhà nhưng gia đình nào
ngoài vườn trồng cây ăn quả cũng đều có một cái ao để thả cá. Cáo ao nằm giữa
vườn cây tạo nên phong cảnh hữu tình. Bên này bờ ao chàng trai ngồi câu cá. Bên
kia cô gái giặt áo, vớt bèo. Những mối tình nảy nở. Những bóng hình lứa đôi soi
bóng nước ao nhà. Những cái ao ngày ấy rất rộng và trong xanh. Những trưa hè,
tụi trẻ con chúng tôi thường nhảy ùm xuống ao tắm. Một đoạn cây chuối mấy thằng
bám vào bì bõm tập bơi. Rồi từ cái ao làng phẳng lặng, nhỏ bé, chúng tôi biết
bơi để ra hồ, ra sông, ra biển lớn đầy sóng gió. Cũng như từ sau bụi tre xanh
quanh năm bình yên chúng tôi lớn lên vững bước vào đời với bao sự biến động,
thử thách chông gai.
Tôi
còn nhớ khi còn nhỏ rất thích đi câu cá. Chúng tôi có những chiếc cần câu trúc
uốn cong rất đẹp và dẻo. Chúng tôi thường kéo nhau đi cả buổi lên rừng tìm cần
câu. Quê tôi ngày ấy rừng già rậm rạp, có những cây gỗ quý như lim, de, rùa mấy
người ôm không xuể. Những bụi tre, bụi trúc, rừng rui cũng nhiều, tha hồ mà
chọn những cây trúc, cây rui thật suôn, thật thẳng về uốn làm cần câu. Mỗi đứa
chúng tôi đều có đủ các loại cần câu. Cần câu cá trê, cá chuối phải cứng, cần
câu cá rô, cá diếc phải mềm, phải dẻo, cần câu tôm càng thì chỉ là những thanh
tre vót mảnh như cái tăm. Những cái ao trong làng ngày ấy rất nhiều các loại cá
hoang hay cắn câu như cá trê, cá rô, cá chuối, lươn, trạch… Câu cá ở ao cũng là
cả một nghệ thuật, là sự kiên trì. Cá rô ta (thường gọi là rô đồng) ăn nhạy
nhưng khó dính vào lưỡi câu. Trừ loại cá rô phi là ham mồi, có con bị giật
trượt rách cả mép vẫn cứ lau nhau lao vào đớp mồi. Cả đàn xoắn xuýt quanh mồi
câu, có lúc giật lên thấy lưỡi câu móc cả vào lưng cá. Cá trê thì chậm bắt mồi
câu nhưng khi đã đớp mồi thì thường nóng vội kéo vút đi ngay. Ban đêm cá trê
hay cắn câu hơn ban ngày. Nhưng ngồi câu đừng ngủ gật, lỏng tay cần, cá kéo
mạnh lôi luôn cần câu ra giữa ao, trời thu lạnh ngại lội xuống vớt. Có đêm gặp
đàn cá ham mồi tôi giật được cả vài chục con cá trê màu vàng ươm. Cá trê kho
nục hoặc cá trê nướng ăn đều ngon. Câu cá chuối là cả một sự kiên trì và khôn
khéo. Cá chuối đẻ trứng hoặc đang nuôi con nhỏ thường dễ câu hơn. Chí cần móc
lưỡi câu vào một con trạch hay con nhái còn sống thả vào đàn cá con là sẽ giật
ngay được con cá cái. Cá chuối cái ham con, bảo vệ con, thấy có con vật nào
ngoe ngoảy giữa đám con của mình là sẽ lao đến đớp ngay. Khi con cá cái bị
vướng lưỡi câu, con cá chuối đực vẫn tiếp tục bảo vệ đàn con đến khi chúng lớn
mới thôi. Câu được cả con cá đực này không phải là dễ. Mùa thu ao cạn, nước
trong veo, nhìn rõ cả con cá chuối nằm im gần bờ. Nó gần như bất động. Muốn câu
được nó phải nấp thật kín, cần câu phải thò ra thật nhẹ nhàng, không để gây ra
tiếng động và điều quan trọng nhất là phải thả mồi câu ở xa về phía đuôi con
cá. Cá chuối rất thính. Khi thấy động ở phía sau nó sẽ quay ngoắt lại và đớp
mồi. Còn nếu thả mồi ngay phía trước mặt nó thì nó lập tức phóng vút ngay ra
giữa ao, mất tăm.
Mùa
thu khi mướp đã ra hoa cũng là mùa câu ếch. Ếch sống ở ao thường to và béo. Mùa
thu đến, sau một mùa sinh đẻ và ăn uống đầy đủ, ếch chuẩn bị vào hang ngủ đông
nên thường ít vận động. Nó hay nổi lên mặt ao ngồi trên những đám bèo cái. Ra
ao chỉ nhìn một lượt đám bèo là phát hiện đang có mấy con ếch đang ngồi hóng
mát. Chúng tôi thường móc vào lưỡi câu những cái hoa mướp vàng đã héo vừa rụng
để nhử ếch. Cũng giống như câu cá chuối, mồi câu phải thả phía sau con ếch giật
giật rồi kéo nhẹ. Thấy động con ếch sẽ quay lại đớp mồi ngay. Còn nếu buông mồi
đột ngột phía trước mặt thì đừng hòng ếch mắc mưu mà đớp cái mồi của bạn. Cũng
chưa thấy ai lý giải vì sao ếch rất thích đớp hoa mướp màu vàng.
Quanh
cái ao làng có bao nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm đáng nhớ nhất vẫn là tắm ao và câu
cá. Lớn lên ra đi tới bao phương trời tôi vẫn không quên những chuyện của ngày
thơ ấu. Bây giờ về quê, đất chật, người đông, ao hồ san lấp gần hết để làm nhà,
làm đường. Rồi quy trình gieo trồng canh tác mới, thuốc sâu, phân hoá học rải
xuống đồng ruộng ngày càng nhiều nên gần như tiệt diệt, không còn thấy các loại
cá hoang như cá rô, cá trê, cá trạch, cá chuối nữa. Có lẽ đã lâu lắm tôi không
nhìn thấy các loại cá này. Đêm đêm, cũng ít nghe tiếng ếch “ồm ộp” kêu trong
làng như ngày xưa.
Nhà
tôi vẫn còn giữ được một khoảnh ao nho nhỏ, cũng có thả một ít cá rô phi. Một
hôm về quê, tự dưng tôi thèm được câu cá quá. Nhưng không thể tìm đâu ra một
cái cần câu. Rừng già đã biến mất từ lâu trên quê tôi nên chẳng còn những khóm
trúc mọc hoang trên đồi mà bao giờ cũng có sẵn những cái cần câu vừa nhỏ vừa dẻo.
Tôi đành chặt một nhánh tay tre làm để cần câu. Cá cắn câu, giật con cá lên với
cái cần cong queo, cứng ngắc, mất cả cái thú của người đi câu…
Giờ
đây, ao làng bị san lấp dần để làm khu công nghiệp, để cắt đất chia lô làm nhà
ống như ở thành phố, đường lát bê tông, nhà xây cao ngất ngưởng. Không gian
làng quê trở nên chật hẹp và ngột ngạt. Trẻ con ham ngồi internet hơn thả mồi
câu bên bóng tre già. Người lớn ham bàn chuyện giá đất đai hơn chuyện be bờ tát
cá, cũng bởi cánh đồng cũng không còn cua cá nữa. Đường làng rền rã tiếng động
cơ khiến những tiềng gà trưa trở nên thảng thốt.
Vậy
đó, bây giờ và mai sau nữa, lớp trẻ con làng quê thời công nghiệp hoá, hiện đại
hoá sẽ mất dần khái niệm về cái ao làng, về những trò chơi, những thú vui,
những chuyện ở nông thôn. Thật buồn, thật tiếc, khi cái ao làng sẽ vĩnh viễn
biến mất nơi làng quê Việt Nam ngàn đời của chúng ta.
Vĩnh Phúc, mùa thu 2009
©
Tác giả giữ bản quyền.
. Cập
nhật lại- ngày 18/09/2015
.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi từ Hà Nội ngày 23/08/2011
Xin
Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi
Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét