Mai An Nguyễn Anh Tuấn: Một đề án giáo dục phản giáo dục
Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014
Thứ Tư, ngày 17 tháng 9 năm 2014
Suốt thời gian qua, dư luận cả xã hội như bão quanh đề án “Mỗi học sinh một máy tính bảng”, với 4.000 tỷ đưa SGK điện tử và 320.000 máy tính bảng vào lớp 1,2,3 bậc tiểu học (do Sở GDĐT Tph HCM đề xướng, chủ trì). Hầu hết là ý kiến phê phán, vạch ra sự bất cập, sự phi khoa học… thậm chí là “sặc mùi tiền và thiếu tình người” của đề án này. (Xin đọc:
http://nguyennguyenbay.blogspot.com/2014/08/mot-e-sac-mui-tien-thieu-tinh-nguoi.html#more - http://motthegioi.vn/the-gioi-hoc/dien-dan-at/bo-4000-ti-dong-bien-hoc-sinh-thanh-no-le-lam-beo-ai-97115.html - v.v.)
Thông tin cá nhân: (VanDanViet)
Tác giả: Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Anh Tuấn
Bút danh khác Nguyễn Yên Thế
Địa chỉ: Phố Thái Hà, Hà Nội
ĐT: 0912174947
Email: anhtuan.daodien4@gmail.com
_____
MỘT ĐỀ ÁN GIÁO DỤC PHẢN GIÁO DỤC
Suốt thời gian qua, dư luận cả xã hội như bão quanh đề án “Mỗi học sinh một máy tính bảng”, với 4.000 tỷ đưa SGK điện tử và 320.000 máy tính bảng vào lớp 1,2,3 bậc tiểu học (do Sở GDĐT Tph HCM đề xướng, chủ trì). Hầu hết là ý kiến phê phán, vạch ra sự bất cập, sự phi khoa học… thậm chí là “sặc mùi tiền và thiếu tình người” của đề án này. (Xin đọc:
http://nguyennguyenbay.blogspot.com/2014/08/mot-e-sac-mui-tien-thieu-tinh-nguoi.html#more -http://motthegioi.vn/the-gioi-hoc/dien-dan-at/bo-4000-ti-dong-bien-hoc-sinh-thanh-no-le-lam-beo-ai-97115.html - v.v.)
Là một người đã/ đang tham gia vào sự nghiệp GD-ĐT, tôi vô cùng bức xúc và xin tham góp đôi điều trên góc độ văn hóa- lịch sử.
Nói cho công bằng, cái đề án này thực ra chỉ là một trong những sản phẩm của cả một hệ thống giáo dục có môt triết lý giáo dục lỗ mỗ, đầu voi đuôi chuột, “làm ngược với thế giới” (Gs Ngô Bảo Châu); và có thể nói không ngượng mồm rằng: nó là một thứ quái thai mang cái vỏ mỹ miều: Hiện đại hóa nhà trường & Cập nhật tinh hoa của KHKT thời đại!
Với những người lập đề án và những người ủng hộ nó- loại trừ những động cơ khác nhau (mà dư luận đã nói khá nhiều, khá đủ) thì có thể thấy rõ là họ không hiểu, hay cố tình không hiểu quy luật tâm - sinh lý của lứa tuổi tiểu học (từ 6-10 tuổi). Những tư tưởng giáo dục của nhân loại từ thời cổ đại với Socrates, Plato, Aristote đến các thời trung-cận-hiện đại với F. Rabelais, M. Montaigne, J.A. Comenius, J.J. Rousseau, J.A. Dewey, M. Montessori, Makarenco, v.v. dù duy tâm siêu hình hay biện chứng duy vật, cũng đều có chung một cái lõi nhân bản: lấy con người làm trung tâm của sự giáo dục (Còn ở đề án kia làm ngược hẳn lại: lấy máy móc làm trung tâm!)
Chúng ta chỉ cần dừng lại đôi chút ở nhà triết học Khai sáng Pháp Jean-Jacques Rousseau. Trong một khảo luận lớn về giáo dục, tác phẩm ưng ý nhất của mình- “Émile hay là về giáo dục” (Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương dịch, Nxb Tri thức- 2008), Rousseau đã giới thiệu một triết lý và phương pháp giáo dục để có thể hình thành nên “người công dân lý tưởng”- mà theo ông điều quan trọng nhất là có đủ sức khỏe thể chất cùng nghị lực tinh thần để có thể đương đầu với mọi thử thách cuộc sống. Rousseau từng cảnh báo những người lớn làm công việc giáo dục: “Quãng nguy hiểm nhất của đời người là quãng đời từ lúc sinh ra đến tuổi mười hai”- mà yếu tố nguy hiểm nhất của quãng nguy hiểm đó chính là: “Người ta không muốn làm cho một đứa trẻ thành đứa trẻ, mà trở thành một nhà uyên bác!” (Sđd, tr.109). Ông khẩn thiết kêu gọi: “Hãy để tuổi thơ chín dần trong tuổi thơ” (Sđd 110). Để có thể làm được điều này, Rousseau đề cao quá trình tu dưỡng giác quan ở đứa trẻ, để cuối cùng hình thành nên cái mà ông gọi là “lý tính cảm giác hay lý tính trẻ thơ (Sđd, tr.200)- bởi theo ông, “Các năng lực đầu tiên hình thành và tự hoàn thiện dần trong chúng ta là các giác quan” (Sđd, tr.165). Những ý tưởng đó của một “nhà giáo dục lãng mạn” cách đây hai thế kỷ rưỡi cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn!
Đúng vậy, trẻ ở lứa tuổi đó cần/ bắt buộc phải tiếp xúc nhiều với thế giới tự nhiên xung quanh để trau dồi giác quan, kỹ năng sống, lẫn nâng cao thể lực… Các em cần trải qua giai đoạn khó khăn, căng thẳng để hình thành năng lực đọc hiểu, viết chữ- một trong những cánh cửa lớn dẫn vào tri thức- bằng nỗ lực của chính bản thân mình ( dưới sự chỉ đạo khéo léo, kín đáo của người lớn) chứ không phải của máy móc! Ta hãy thử hình dung ra cảnh ngộ những đứa trẻ xanh xao, ngơ ngác suốt cả buổi học cúi mắt vào máy tính bảng, chăm chăm với những gì đã được số hóa, được máy móc tính hộ, đọc hộ, tư duy hộ, thậm chí cảm thụ hộ, thực không gì phản giáo dục hơn- cùng biết bao hệ lụy có thể nhìn thấy trước! (Nhiều bài báo viết báo mạng vừa qua đã phân tích khá kỹ những hệ lụy này, tôi xin không nhắc lại). Trong lúc đó, cái mà trẻ cần đâu phải là những kiến thức mà chỉ gõ Goole là thấy, cái chúng cần trước hết là không gian Chơi & Học mang tính sư phạm, sau đó là phương pháp tư duy, là sự động não mà không máy móc hiện đại nào cung cấp nổi cho chúng ! Theo nhà giáo Phạm Toàn, trong các cuộc test đo nghiệm trí khôn, nhà tâm lý học Thụy Sĩ Jean Piaget đã “tin rằng điều quan trọng không phải là câu trả lời đúng của các em, mà là những cách suy luận của các em, những khẳng định và những dãy lập luận làm đẻ ra các kết luận sai lầm” (Công nghệ dạy văn- tr.94,Nxb ĐHQG-HN,2000). Đề án nọ phải chăng đã mắc phải một trong ba ảo tưởng nguy hại của công cuộc giáo dục mà cũng do nhà giáo Phạm Toàn từng vạch ra- đó là “ảo tưởng Kỹ thuật tiên tiến”! ( trong đó có việc áp dụng công nghệ thông tin vào nhà trường khi chưa hề có một lý thuyết cần thiết dẫn dắt - Sđd, tr.47, 104). Mà cái lý thuyết cần/ đủ đó (dành cho công nghệ thông tin hóa trong Nhà trường), theo tôi chỉ có thể được sản sinh khi đã có một triết lý giáo dục minh bạch, đàng hoàng, và mang tính khoa học thực sự.
Bác sĩ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori với một số triết lý và phương pháp giáo dục trở thành kinh điển hơn một trăm năm qua tại khắp thế giới, trong công trình “Bí ẩn tuổi thơ” (Nghiêm Phương Mai dịch, Nxb Tri Thức, 2014) đã có một khái niệm rất đáng quan tâm mà chúng ta có thể soi chiếu vào chuyện thời sự đang bàn: “Đứa trẻ bị lệ thuộc” (cũng là một đề mục trong chương mang tên: “Những lệch lạc tâm thần”). Bà lo lắng rằng: nếu như không tạo ra một môi trường tốt cho đời sống tinh thần trẻ em, không có một phương pháp sư phạm đúng đắn, sẽ tạo ra những đứa trẻ thờ ơ, lãnh đạm, lười biếng. (Sđd, tr.281). Và những ai còn có ý định “máy móc hóa” học đường, “robot hóa” trẻ thơ cần tỉnh ngộ trước những lời cảnh báo của Montessori cách đây hơn một thế kỷ: “Tiến bộ về mặt vật lý, hóa học và sinh học, và sự cải thiện các phương tiện giao thông chỉ làm tăng nguy cơ của sự tàn phá, khốn khổ và sự xuất hiện của cái mạn rợ độc ác. Vì thế, chúng ta không thể đặt hy vọng vào thế giới bên ngoài cho đến khi sự bình thường hóa của con người được nhìn nhận là một thành tựu căn bản của đời sống con người. Chỉ khi đó, tất cả các tiến bộ bên ngoài mới có thể đem đến phúc lợi và một hình thức văn minh cao hơn.” (Sđd, tr.326)
“Sự bình thường hóa của con người” đó, chẳng có gì khác là kết quả của sự bình thường hóa quy trình giáo dục mà ở đấy, các phương pháp cổ điển được kết tinh qua hàng thế kỷ được kết hợp một cách nhuần nhị, có tính toán khoa học & sư phạm với các phương pháp và phương tiện hiện đại (mà máy tính bảng và chương trình tin học chỉ là một trong số đó !).
Hà Nội, đầu Năm học 2014
Nhà báo, đạo diễn Mai An Nguyễn Anh Tuấn
(Tuần báo Văn nghệ Tp HCM)
© Tác giả giữ bản quyền.
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 17.9.2014
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hà Nội ngày 17.9.2014
Xin Vui Lòng Ghi Rõ nguồn VanDanViet Khi Trích Đăng Lại.
_______________________________________________
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét